33 C
Cần Thơ
22 Tháng mười một, 2024

Phải làm gì khi ảnh tượng đã được làm phép bị hư hỏng?

Phải làm gì khi ảnh tượng đã được làm phép bị hư hỏng?

Trong các gia đình Kitô giáo, việc trưng bày các ảnh tượng đã được làm phép là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp các ảnh tượng này bị hư hỏng, (gãy tay, chân, mất đầu, sứt mẻ), không còn thích hợp để tôn kính nữa. Nhiều người không biết phải giải quyết thế nào để không cảm thấy mình bất kính. Dưới đây là một số gợi ý để chúng ta có thể giải quyết cách xứng hợp trong sự tôn kính mà không phải lo lắng, bối rối khi phải làm việc này.

Trước khi nhấn mạnh đến những gì có thể làm với các ảnh tượng thánh bị hư hỏng, trước hết cần lưu ý tầm quan trọng và giá trị của ảnh tượng thánh trong Giáo hội. Tôi bắt đầu bằng cách nhắc nhớ rằng Giáo hội Công giáo không tôn thờ các ảnh tượng, nhưng tôn kính. Thánh Gioan Đamas nói rằng: “Ngày xưa, Thiên Chúa không có thân xác, cũng không có hình dáng, nên không thể nào được biểu thị bằng một hình ảnh. Nhưng giờ đây Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm và sống giữa loài người, nên tôi có thể họa lại Thiên Chúa mà tôi đã thấy…. Chúa đã lấy đi tấm màn che và chúng tôi được chiêm ngắm vinh quang của Ngài” (GLCG, số 1159).

Theo quan điểm này, Giáo lý của Hội thánh dạy rằng: “Trung thành với đạo lý của các thánh giáo phụ và truyền thống Hội Thánh Công Giáo, vì biết rằng đạo lý này được Chúa Thánh Thần linh hứng, chúng tôi định tín chắc chắn và chính xác rằng : các ảnh tượng thánh đáng tôn kính, cũng như các mẫu Thánh Giá quý báu và sống động – dù được vẽ, chạm trổ hay làm bằng chất liệu thích hợp – phải được chưng bày trong các nhà thờ, trang trí trên các dụng cụ và y phục thánh, vẽ trên tường và trên tranh, đặt trong nhà và ngoài đường. Đối với ảnh tượngcủa Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa và Đấng Cứu Độ chúng ta, ảnh tượng của Đức Maria Thánh Mẫu Thiên Chúa và của các thiên thần, các thánh và những người công chính cũng thế” (CĐ Nicêa II : DS 600).

Vậy làm thế nào để có thể tỏ lòng tôn kính các ảnh tượng thánh bị hư hỏng?

Yếu tố đầu tiên là cần quan sát mối liên hệ với các ảnh tượng bị hư hỏng là xác định xem những ảnh tượng đó có thể sửa chữa được nữa không. Sau khi đánh giá tình trạng các ảnh tượng này, nếu không có khả năng hoặc không quan tâm đến việc khôi phục nó, bước tiếp theo là chúng ta có thể loại bỏ cách nhất quán các ảnh tượng này nhưng vẫn lưu ý đến ý nghĩa của nó.

Không cần thiết phải mang những ảnh tượng hư hỏng vào nhà thờ hay nghĩa trang, ném xuống sông hoặc nơi nào đó, nhưng có thể tán nhỏ và chôn trong vườn hoặc trong các chậu hoa trong nhà. Điều quan trọng là tránh trường hợp các ảnh tượng được làm phép bị coi thường, vứt bỏ vào thùng rác hoặc để nơi nào đó không xứng hợp.

Vì vậy, cần phải hủy bỏ các ảnh tượng bị hư hỏng sao cho giá trị tinh thần và ý nghĩa tôn giáo của nó không bị ảnh hưởng, tránh mọi dấu hiệu thiếu tôn kính.

Thánh Gioan Đamas nói rằng : “Vẻ đẹp và màu sắc của ảnh tượng thúc đẩy tôi cầu nguyện. Như cảnh đẹp thiên nhiên làm rạo rực hồn tôi, các ảnh tượng làm cho tôi vui sướng ca ngợi Chúa”.

Chức năng của các ảnh tượng và biểu tượng được làm phép trong tình trạng tốt, là lối vào “trong sự hòa hợp với các dấu chỉ dùng trong cử hành Phụng Vụ, để mầu nhiệm được cử hành khắc sâu hơn trong tâm khảm, sau đó bộc lộ ra trong đời sống mới của các tín hữu” (GLCG số 1162).

Do đó, một khi các ảnh tượng bị bể hoặc hư hỏng không đạt được mục đích đầy đủ của nó, có thể bị hủy bỏ mà không gặp trở ngại gì.

Márcio Leandro Fernandes 

Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Bài viết liên quan

MỤC VỤ LỜI CHÚA : CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN – C

Vũ Văn Hài

Giáo Huấn 41: Điều Răn Thứ Bốn (1) – “Thảo Kính Cha Mẹ”

Vũ Văn Hài

CHƯƠNG TRÌNH TUẦN THÁNH – PHỤC SINH

Vũ Văn Hài