30 C
Cần Thơ
10 Tháng mười, 2024

THƯƠNG NHỚ THẦY VALENTINÔ

THƯƠNG NHỚ THẦY VALENTINÔ

Cách đây ít hôm, Ông Cố Thuỵ gọi điện thoại cho tôi với giọng run run xúc động : “Xin Cha thêm lời cầu nguyện cho Thông, con của con đang phải thở ô-xy vì Covid-19 tại Philippine!”. Một thoáng bối rối, tôi vào Nhà Thờ ngước nhìn lên Thánh giá. Chúa vẫn đang giang tay gánh tội trần gian. Chúa vẫn đang vòng tay ôm ấp nhân loại phàm hèn. Tôi thốt lên : “Lạy Chúa, xin cứu vớt chúng con. Lạy Chúa xin cứu vớt Valentinô!”.

Cách đây vài giờ, tin buồn ập đến. Thảng thốt! Rúng động! Thầy Valentinô đã nhắm mắt xuôi tay do con virus quái ác, nơi đất khách quê người, khi tuổi đời còn quá trẻ – mới vừa tròn 31 xuân xanh, khi mộng ước chưa thành, khi khát vọng bước theo lý tưởng chưa trọn vẹn. Lời Thánh Kinh quả đang ứng nghiệm trong hoàn cảnh bi thương này : “Con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng dưng bị tay Chúa, cắt đứt ngay hàng chỉ” (Is 38,12). Nhưng Chúa ơi, những hàng chỉ đời Thầy Valentinô đang mải dệt… con thấy đẹp lắm mà, nắn nót lắm mà, chỉn chu lắm mà… sao Chúa nỡ…?!

Vượt qua muôn vàn khó khăn để bước theo lý tưởng dâng hiến. Thầy đã tham gia dự tu Giáo phận Cần Thơ. Rồi cho dù khó khăn, thử thách, trắc trở… Thầy vẫn kiên trì theo đuổi ơn gọi trong Dòng Chúa Thánh Thần : Đệ tử, Nhà tập, Học Triết tại Việt Nam, đi phục vụ tận Châu Phi, trở về Việt Nam, rồi lên đường sang Philippine học Thần học.

Dù ở đâu, dù lúc nào… Thầy vẫn luôn thể hiện sự nhiệt tình hăng hái. Gặp ai cũng chào gặp ai cũng cười! Một em thiếu nhi mới 4 tuổi, được sống cạnh Thầy chỉ khoảng hơn 1 tháng Hè tại Nhà xứ Cái Tắc năm nào, thế mà cứ nằng nặc đòi mẹ : “Cho con đi Châu Phi với Thầy Thông!!!”.

Những lần tiếp xúc, những lời tâm sự của Thầy đã khiến tôi nhận ra được năng lượng tích cực trong hành trình hiến dâng và tình yêu mãnh liệt dành cho Chúa Giêsu Kitô đang dạt dào trong tâm khảm của Thầy. Khát vọng phục vụ Chúa trong anh chị em nghèo, ước mơ đem Tin Mừng đến với muôn dân chính là lẽ sống mà thầy âm thầm chọn lựa.

Dẫu biết phận người mỏng manh, lại càng mong manh hơn bao giờ hết trước sự tấn công của kẻ thù như vô hình là con virus tử thần này, nhưng trước sự ra đi của Thầy Valentinô – một người con trong Giáo xứ Cái Tắc – một người đã cùng tôi chia sớt ngọt bùi – thì làm sao tôi lại không thể kêu lên tới Chúa như Đức Giêsu : “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con?!” (Mc 15,34; Mt 27,46). Vâng, trạng thái hụt hẫng, mất phương hướng khi đối diện với sự thinh lặng của Chúa khiến tôi cảm thấy ngộp thở. Tôi tin Thầy Valentinô cũng đã từng có cảm nhận ấy trong 1 tuần phải thở máy trước khi trút hơi thở cuối cùng vào 11g00 trưa nay, ngày 19.8.2021, tại Philippine.

Tôi lại ngước nhìn Thánh giá Chúa. Hình dung được từng hơi thở gấp gáp, dồn dập mà chẳng thể đủ ô-xy mà Chúa đang cùng tôi và cùng rất nhiều anh chị em tôi đang quằn quại trên giường bệnh trong những phòng ICU chật kín tại Sài Gòn và cả Cần Thơ nữa! Và Thầy Valentinô cũng như Chúa Giêsu, sau những giờ phút khó thở, thiếu ô-xy, đau đớn, đơn độc… đã giã từ cõi đời khi tuổi còn quá trẻ! Phải chăng đó là một sự thất bại trươc cái chết? Phải chăng đó là sự đầu hàng trước sự dữ? Phải chăng đó là sự thuần phục trước ma quỷ?

Không! Khổ hình, cơn hấp hối và sự kiện Chúa trút hơi thở cuối cùng trên Thánh giá đã làm nên chiến thắng, vì Người đã Phục sinh :

– Chúa không chết trong tuyệt vọng : “Lạy Cha, Con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

– Chúa không chết khi giang dở : “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30)

– Chúa không chết trong khiếp nhược : “Ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta” (Lc 23,42)

Tôi tin rằng Thầy Valentinô cũng vừa bước qua con đường Thập giá của đời mình theo Chúa Giêsu : không tuyệt vọng mà phó thác, không giang dở mà hoàn tất, không khiếp nhược nhưng kiên cường.

Tôi cũng tin tưởng và tín thác cách mạnh mẽ vào tình yêu cứu độ xuất phát từ cuộc khổ nạn, cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu : “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6,8).

Đau buồn, tiếc thương là lẽ thường tình khi mất đi người thân. Ông Bà Cố và tang quyến quả thật đang sống trong thời khắc bi thảm nhất của kiếp người. Tôi thực sự đồng cảm, sẻ chia và cùng đau với nỗi đau của gia đình khi mất đi người thân yêu.

Nhưng gạt nước mắt, nén đau thương, ngước nhìn Thánh giá Chúa, niềm tin cậy mến của ta sẽ được khơi lại, được củng cố, được bồi đắp. Vâng, chúng ta chỉ có thể hiểu được mầu nhiệm đau khổ của con người trong Mầu nhiệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Vâng, chúng ta chỉ có thể hiểu thấu mầu nhiệm sự chết mà con người phải đối diện xuyên qua sự chết và Phục sinh của Chúa Giêsu. Khi không còn gì cho ta hy vọng trong cuộc đời này thì ta vẫn còn có Chúa luôn là chốn ta tựa nương. Khi tăm tối bủa vây kiếp sống con người thì ta vẫn còn đó ánh sáng Phục sinh của Chúa Giêsu chiếu soi.

Ngước nhìn Thánh giá Chúa, tín thác vào Lòng Thương xót của Người, tôi tha thiết van nài : “Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót linh hồn Valentinô!”. Amen.

Bài viết liên quan

HAI LOẠI THUỐC GIÚP HẠN CHẾ F0 CHUYỂN BIẾN NẶNG KHI CÁCH LY TẠI NHÀ

Vũ Văn Hài

THÔNG BÁO : HÀNH HƯƠNG NGÀY 30.6.2022

Vũ Văn Hài

THẤT ĐẠO HIỆP HÀNH

Vũ Văn Hài