ĐỒNG HÀNH VỚI CÁC BẠN TRẺ TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
NGƯỜI TRẺ SỐNG TÌNH HUYNH ĐỆ TRONG GIA ĐÌNH
Phêrô Vũ Văn Hài
Có một sự trùng hợp dường như ngẫu nhiên, nhưng tôi cho là do ý định quan phòng nhiệm mầu của Thiên Chúa, khi chương trình mục vụ của Giáo hội Việt Nam và Giáo huấn của Giáo hội trong những năm vừa qua thường xoay quanh đơn vị căn bản của xã hội và Giáo hội, là Gia đình. Thật vậy, ngay cả khi Giáo hội Việt Nam hướng đến các bạn trẻ, thì cũng đã dành một năm “đồng hành với các bạn trẻ trong đời sống gia đình”, với những chỉ dẫn khá trùng khớp với Giáo huấn của Giáo hội hoàn vũ, mà cụ thể là của Đức Thánh Cha Phanxicô.
TỪ BÀI GIÁO LÝ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
Trong bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành ngày 18 tháng 2 năm 2015 tại buổi Triều Yết Chung ở Quảng Trường Thánh Phêrô, trong chu kỳ Giáo Lý về Gia Đình, ngài khẳng định rằng : “Mối dây liên hệ huynh đệ có một vị trí đặc biệt trong lịch sử dân Thiên Chúa, là lịch sử nhận được sự mặc khải của Ngài giữa kinh nghiệm của nhân loại”. Đức Thánh Cha trích dẫn Thánh vịnh 132 : “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau!” để cho thấy vẻ đẹp của mối tình huynh đệ là một chủ đề khá quan trọng trong Cựu Ước và được thành toàn trong Tân Ước bởi chính Con Thiên Chúa làm người, hầu đón nhận con người vào trong gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa, và mời gọi chúng ta là những môn đệ : “Các con hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con” (Ga 15,13), bởi lẽ : “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).
Tuy nhiên, câu chuyện Cain và Abel (St 4, 3-16) lại là một thí dụ điển hình cho cái kết của mối liên hệ huynh đệ bị tiêu tan, đó là : tranh chấp, phản bội và hận thù. Dựa vào đoạn Thánh Kinh trên, Đức Thánh Cha diễn giải rất thiết thực : “Sau cái chết của Abel, Thiên Chúa hỏi Cain : ‘Abel, em con ở đâu?’ (St 4,9a). Đó là một câu hỏi mà Chúa tiếp lặp lại trong mỗi thế hệ. Và thật đáng buồn, trong mọi thế hệ, người ta cũng không ngừng lặp lại câu trả lời bi thảm của Cain : ‘Con không biết. Con là người giữ em con sao?’ (St 4,9b)”. Ngài cho rằng đây là một thực tế đáng buồn trong nhiều gia đình hiện nay : “có bao nhiêu anh chị em tranh chấp nhau vì những chuyện nhỏ nhặt, hoặc vì việc thừa kế, và sau đó không còn nói chuyện với nhau nữa, không còn chào hỏi nhau nữa”. Và như thế : “Việc cắt đứt mối tình huynh đệ giữa anh chị em là một điều rất tồi tệ cho nhân loại”.
ĐẾN THƯ MỤC VỤ NĂM 2020 CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
Khai triển chủ đề mục vụ của năm 2021 : “Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình”, ngoài lời mời gọi người trẻ tập sống tương quan căn bản với Thiên Chúa trong cầu nguyện và tập sống tương quan hiếu thảo với cha mẹ nơi gia đình, Hội đồng Giám mục Việt Nam còn xác định rằng gia đình chính là địa chỉ quan trọng nhất để người trẻ tập sống tương quan huynh đệ với anh chị em trong nhà (x. Thư Mục vụ 2020, số 6). Có lẽ không phải vô tình mà các vị chủ chăn của Giáo hội Việt Nam chú ý tới điều này. Chúng ta có thể nhận ra những biểu hiện tiêu cực của xã hội hiện đại có nguy cơ phá vỡ mối tương quan đặc biệt này :
– “Đồng tiền băm nát tình anh em” là tựa đề bài báo được đăng trên Báo Phụ Nữ Online ngày 19.09.2019, nhằm lược qua một vụ án xảy ra gần đây liên quan đến xung đột của anh chị em ruột trong gia đình, mà nguyên nhân là những xung đột về vấn đề tiền bạc và của cải vật chất : anh trai truy sát cả nhà em ruột do tranh chấp đất đai ở Hà Nội, đâm trọng thương ba người trong gia đình em gái vì mâu thuẫn tiền bạc, em trai đâm chết anh ruột do mâu thuẫn từ việc vay vàng… Những vụ án huynh đệ tương tàn xuất phát từ nguyên nhân tiền bạc khiến không ít người thở dài sợ hãi vì đồng tiền mà người ta chém giết nhau một cách dễ dàng kể cả ruột thịt máu mủ. Nhiều người hoang mang trước sự xuống cấp của đạo đức xã hội, mà lý do là vì vật chất đang lên ngôi và đồng tiền đang chế ngự.
– “Hiện tượng sống ảo” là những hành động, việc làm xa rời với thực tế, họ tự tạo ra niềm vui cho mình qua những lượt tương tác trên mạng xã hội. Không thể phủ nhận được sức lan tỏa truyền thông của các trang mạng xã hội rất mạnh mẽ, tuy nhiên, cũng vì vậy mà giới trẻ hiện nay đã lạm dụng và sống ảo nhiều hơn. Hiện tượng này luôn kèm theo thực trạng là nhiều bạn trẻ thích “chụp ảnh tự sướng” để khoe khoang bản thân và thái độ “cuồng like” đến nỗi coi nó như thước đo những giá trị của con người. Từ đó đã tạo nên những “anh hùng bàn phím” thiếu văn hóa, thiếu nhân văn. Nếu như ngày xưa bọn trẻ thường tụ tập để chơi đùa với nhau trong gia đình hay tại xóm làng thì nay cho dù ở gần nhau chúng cũng cảm thấy xa lạ và không sự gắn bó với nhau nữa. Và như thế, khá nhiều người trẻ thấy lạc lõng và xa lạ trong chính gia đình của mình vì không nối kết được với anh chị em của mình bằng việc thiết lập mối tương quan huynh đệ!
– Một vấn đề lớn được đặt ra đối với các gia đình trẻ ngày nay : có những cặp vợ chồng ngại sinh con, không muốn có nhiều con cái. Phần lớn các gia đình trẻ hôm nay chỉ có một hoặc hai đứa con. Nếu gia đình nào chỉ có một đứa con duy nhất thì người con đó không có cơ hội để sống tình huynh đệ. ĐTC Phanxicô đã cảnh báo điều này : “Một xã hội với một thế hệ ích kỷ, không muốn có con cái quay quần bên mình, chỉ coi chúng như một mối bận tâm, một gánh nặng, một nguy cơ, đó là một xã hội đang bị vong thân (…) là những xã hội buồn thảm…” (ĐTC Phanxicô, Bài Giáo lý về Gia đình trong buổi Yết kiến chung, ngày 11.02.2015).
MỞ RỘNG TRỌN VẸN NƠI THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI
Ngày 03.10.2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành thông điệp “Fratelli tutti – Tất cả anh em”, trong đó tình huynh đệ và bằng hữu là những phương thức được gợi ý để xây dựng một thế giới tươi đẹp, công bằng và hoà bình hơn. Trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu do dịch bệnh covid-19 lan tràn, Thông điệp chỉ ra rằng “không ai sống sót một mình” và đây thực sự là lúc “mơ về một nhân loại duy nhất” nơi đó tất cả chúng ta là “anh em của nhau”. Đức Thánh Cha dựa vào dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu trong Tin Mừng để kêu gọi mọi người loại bỏ một xã hội loại trừ – vứt bỏ, để xây dựng một xã hội đặt trên nền tảng của tình yêu, của sự công bằng, của tình liên đới, của sự hoà bình đích thực. Điều này chỉ có được trong một nền văn hoá gặp gỡ, một sự quan tâm lẫn nhau vì coi nhau như anh chị em trong một gia đình. Đó là kết quả của tình huynh đệ đích thực.
Tình huynh đệ trước hết được hình thành trong gia đình giữa anh chị em trong nhà với nhau. Trong gia đình, giữa anh chị em, người trẻ học cách chung sống giữa người với người trong tình huynh đệ, và đó là bước khởi đầu cho việc thiết lập tình liên đới trong xã hội. Có lẽ chúng ta không luôn ý thức điều này, nhưng chính gia đình đưa tình huynh đệ vào thế giới! Từ kinh nghiệm đầu tiên này về tình huynh đệ, được nuôi dưỡng bởi những tình cảm và sự giáo dục của gia đình, cách sống huynh đệ tỏa sáng như một lời hứa trên toàn thể xã hội và trên các mối liên hệ giữa các dân tộc (x. ĐTC Phanxicô, Bài Giáo lý về Gia đình, ngày 18.02.2015).
Tình huynh đệ gia đình tỏa sáng cách đặc biệt khi mọi người ân cần, kiên nhẫn, bao bọc lẫn nhau, nhất là thể hiện điều đó đối với những thành viên yếu đuối, bệnh tật, hoặc tật nguyền. Và điều này rõ ràng đang được lan toả sâu rộng qua rất nhiều hình ảnh các người trẻ trong cơn đại dịch đang lăn xả cứu giúp những người đau khổ khốn cùng : chăm sóc bệnh nhân, cứu trợ người đói, giúp đỡ người neo đơn, chia sẻ cho những anh chị em trở về quê hương bằng rất nhiều yêu thương chân thành. Những người trẻ biết liên đới và sống tình huynh đệ đó chắc hẳn là họ đã sống trọn nghĩa đệ huynh trong chính gia đình của mình!
KẾT LUẬN
Xin được phép mượn chính lời của Vị Cha chung của Giáo hội thay cho lời kết : “Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải mang tình huynh đệ vào trung tâm của xã hội kỹ thuật và quan liêu của chúng ta : rồi ngay cả tự do và bình đẳng cũng sẽ có được ngữ điệu thích đáng của chúng. Cho nên, chúng ta đừng nhẹ dạ vì kinh ngạc hay sợ hãi mà đánh mất vẻ đẹp của kinh nghiệm về một tình huynh đệ phong phú giữa con cái trong gia đình. Và chúng ta đừng đánh mất niềm tin vào chiều rộng của chân trời mà đức tin có thể rút ra từ kinh nghiệm này, được chiếu soi bởi phúc lành của Thiên Chúa” (ĐTC Phanxicô, Bài Giáo lý về Gia đình, ngày 18.02.2015).