ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI TRẺ TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
GIA ĐÌNH LÀ NƠI NGƯỜI TRẺ LUYỆN TẬP TINH THẦN PHỤC VỤ VÀ TRÁCH NHIỆM
Phêrô Vũ Văn Hài
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã khẳng định trong Tông huấn Amoris Laetitia về nhiệm vụ của cha mẹ trong việc giáo dục con cái trong gia đình, để chúng phát triển những thói quen hướng thiện, những cách ứng xử tốt đẹp dẫn đến sự trưởng thành (x. Amoris Laetitia, Số 264). Hay nói cách khác, người trẻ học hỏi và luyện tập các đức tính nhân bản để trưởng thành nhân cách ngay từ chính trong gia đình của mình. Sau khi đã tìm hiểu về hai đức tính mà Hội đồng Giám mục Việt Nam gợi lên trong thư Mục vụ 2020 là trung thực và quảng đại, tuần này chúng ta cùng tìm hiểu về hai đức tính nhân bản phục vụ và tinh thần trách nhiệm, cũng được các vị chủ chăn của Giáo hội Việt Nam đề cập đến trong thư Mục Vụ này.
Những biểu hiện thiếu tinh thần phục vụ và trách nhiệm trong xã hội ngày nay
Cám dỗ tìm kiếm con đường dễ dãi : Trong xã hội ngày nay, con đường dễ dãi được giăng ra và mời mọc người ta đi vào. Nhan nhản nạn mua bán chạy chức chạy quyền. Bao nhiêu người học giả, bằng giả! Nhưng cũng không ít người học giả nhưng bằng thật! Sự kiện này gây đau lòng không ít vì việc học là con đường giúp cho lớp trẻ lớn lên có thể đứng thẳng, nhìn thẳng vào tương lai với lòng tự trọng thì ngày nay lại có đầy rẫy những “đường tắt” : Học ít – bằng cao, làm ít – lương nhiều. Một số không nhỏ các bạn trẻ hầu như đánh mất tính sáng tạo, thường xuyên dựa vào sự chăm sóc, bao bọc của người thân, mọi sinh hoạt của các em hầu hết phụ thuộc vào người lớn; mỗi khi gặp tình huống khó khăn trong thực tế thì lúng túng không biết xử lý như thế nào…
Thói vô trách nhiệm : việc gì cũng cẩu thả qua loa, đại khái, luôn có suy nghĩ “tới đâu hay tới đó”. Trong một bộ phận giới trẻ luôn xuất hiện “những con ma nhà họ Hứa”. Đi học đi làm thì “đi trễ về sớm”. Giờ học giờ làm thì lướt Facebook. Làm bài thi thì quay cóp, đối phó. Ăn uống xong vứt rác bừa bãi. Khi làm việc nhóm thì dựa dẫm, trốn tránh, tìm nhẹ tránh nặng. Nhiều bạn trẻ không màng việc phải giữ uy tín, mượn tiền người khác rồi không trả…. Sống thử khi yêu, rồi mang bầu, mọi chuyện được giải quyết bằng cách phá bỏ cái thai trong bụng. Những bà mẹ trẻ bỏ con cái ở cổng chùa. Con cái đuổi bố mẹ ra khỏi nhà, không cho ăn, phải đi lang thang…
Hội đồng Giám mục Việt Nam nhận định và hướng dẫn
Trong Thư chung 2019, số 3, HĐGMVN đã nhận định : “Giới trẻ có nhiều cơ hội học hành, làm việc, sinh hoạt cộng đồng, du lịch, mở rộng giao lưu gặp gỡ, có những hoạt động phong phú trong lãnh vực văn hóa, thể thao. Bên cạnh đó, người trẻ cũng phải đối diện với những thách thức của thời đại mới. Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ đã làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi vào lối sống buông thả, sống ảo, sống vội, sống dửng dưng vô cảm và vô trách nhiệm. Một số khác lại lún sâu vào những cám dỗ của thời đại như nghiện ngập, buôn bán ma túy, hôn nhân thử, đồng tính, phá thai. Bạo lực ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm nghiêm trọng”. Có lẽ vì thế mà các vị chủ chăn của chúng ta đã đề cập đến những đức tính nhân bản khả dĩ có thể hướng các bạn trẻ vượt qua nhưng cạm bẫy của xã hội hiện đại thời nay.
Phục vụ là sử dụng khả năng, sức lực, tài khéo của mình để làm những công việc vì lợi ích chung hay giúp đỡ người khác thông qua những việc thiết thực nhờ đó con người và cuộc sống của họ được thăng tiến mọi mặt. Nói cách nôm na, phục vụ là giúp đỡ, là làm đầy tớ, là chăm lo người khác và quan tâm đến những nhu cầu thiết thực của họ. Ta có thể thấy, trong gia đình ông bà cha mẹ phục vụ con cháu, anh chị em phục vụ lẫn nhau, con cháu phụng dưỡng ông bà cha mẹ. Là thầnh phần của Giáo hội và xã hội, mỗi người biết đóng góp trong khả năng và trách nhiệm của mình. Để trở thành người phục vụ tốt, gương mẫu, xứng đáng… thì chúng ta cần hội đủ một số đức tính căn bản, chẳng hạn như khiêm tốn, quảng đại, tế nhị, tận tâm và hy sinh quên mình.
Tinh thần trách nhiệm với bản thân chính là không để những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội cám dỗ, như game online, cờ bạc, ma túy… Trái lại, có trách nhiệm với bản thân mình thể hiện từ những việc nhỏ nhất diễn ra hàng ngày như dậy đúng giờ, biết tự chăm sóc bản thân, nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao… Ngoài ra, tinh thần trách nhiệm cần phải hướng đến tha nhân, đến công ích và tới cả thế hệ tương lai : “góp phần bảo vệ và phát triển cuộc sống xã hội, tôn trọng thiên nhiên, cổ võ những hoạt động bác ái […] tham gia vào mọi sinh hoạt văn hóa lành mạnh” (HĐGMVN, Thư Mục vụ, 05.12.2008, số 17)
Những tác nhân chính giúp người trẻ luyện tập tinh thần phục vụ và trách nhiệm trong gia đình
Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét : “Người trẻ cảm thấy có một khoảng cách vời vợi giữa những gì họ được học và thế giới họ đang sống. Những gì họ được dạy về các giá trị tôn giáo và luân lý không hề chuẩn bị cho họ khả năng chống đỡ trước một thế giới chế nhạo các giá trị ấy” (Tông huấn Christus Vivit, số 221). Để giải quyết vấn đề này, ngài đã đề cập đến Mục vụ Giới trẻ phải mang tính “hiệp hành”, nghĩa là có khả năng liên kết trong một “hành trình chung” với nhiều “tác nhân” tham gia và cùng chia sẻ trách nhiệm (x. Tông huấn Christus Vivit, số 206). Xin được nêu lên 3 tác nhân chính :
– Nội lực : chính các bạn trẻ phải là người chủ động, chính các bạn trẻ chủ động quy tụ nhau, chủ động trong những sáng kiến và những phương thế giải quyết các vấn đề mà họ phải đương đầu.
– Trợ lực : Cha mẹ trong gia đình, các hội đoàn trong Giáo xứ, các linh mục tu sĩ, các giáo viên, các chuyên gia tâm lý – kỹ năng sống… với những kế hoạch mục vụ cụ thể trong từng cấp (Giáo phận, Giáo hạt, Giáo xứ) được phối hợp hài hoà… sẽ đem lại những hiệu quả thiết thực.
– Nguồn lực : Chúa Kitô đang sống! Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi các bạn trẻ chiêm ngắm tuổi trẻ của Đức Giêsu để lớn lên và trưởng thành cách toàn diện theo gương của Người (x. Tông huấn Christus Vivit, số 210-211).
Kết luận
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định rằng : “Gia đình là trường học đầu tiên, trường học căn bản về đời sống xã hội” (Tông huấn Familiaris consortio, số 37). Trong trường học đầu tiên này, cha mẹ phải hoàn thành nhiệm vụ của mình trong tình phụ tử và mẫu tử, nó bổ túc cho ơn gọi phục vụ sự sống, bằng gương sáng và những hành động cụ thể với những đức tính nhân bản như : “dịu dàng, kiên trì, nhân hậu, phụ vụ vô vị lợi, tinh thần hy sinh” (Tông huấn Familiaris consortio, số 37). Mong sao các người trẻ có thể kín múc được nhịp sống phục vụ lẫn nhau cách vô vị lợi và tinh thần trách nhiệm nơi mái ấm gia đình của mình. Để từ đó, người trẻ có thể hăng say lên đường phục vụ tha nhân và đem tinh thần trách nhiệm ấy áp dụng trong dời sống xã hội và Giáo hội, nhằm xây dựng một thế giới đặt trên nền tảng hoà bình và tình yêu thương.