33 C
Cần Thơ
22 Tháng mười một, 2024

Gia Đình Là Nơi Người Trẻ Thực Hành Cầu Nguyện

ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI TRẺ TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

Gia Đình Là Nơi Người Trẻ Thực Hành Cầu Nguyện

 Phêrô Vũ Văn Hài

Dịch bệnh lan tràn khiến đời sống Đạo bị ảnh hưởng nặng nề, làm thay đổi và xáo trộn hầu hết các sinh hoạt tôn giáo : Tham dự Thánh lễ trực tuyến thay vì trực tiếp, mạng xã hội thay cho những cuộc hội họp, những buổi cử hành phượng tự gói gọn trong “nhà riêng” của từng gia đình thay cho “Nhà Chung” của Giáo xứ… Trong hoàn cảnh đó, người trẻ bằng kỹ năng của mình, có dịp trở thành “nhân vật chính” để gia đình có thể nối kết với Giáo xứ và tham dự được những sinh hoạt tôn giáo trực tuyến của Giáo hội. Và như thế, lời khuyên các tín hữu luôn kiên trì cầu nguyện theo từng thời khắc trong ngày : sáng và tối, trước và sau các bữa ăn… của Giáo Hội chình là lời mời gọi người trẻ thực hành cầu nguyện trong Gia đình và dần dà hình thành thói quen cầu nguyện cho bản thân.

Cầu nguyện chung trong gia đình

Đối với người Công giáo, việc cầu nguyện chung trong Gia đình là yếu tố nền tảng giúp Gia đình giữ vững đức tin, bảo vệ và tăng trưởng hạnh phúc, đồng thời có giá trị truyền giáo nữa. Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định : “Những khoảnh khắc cầu nguyện trong Gia đình và những diễn tả lòng đạo đức bình dân có thể có sức loan báo Tin Mừng mạnh hơn bất kỳ việc dạy giáo lý và bài giảng đạo nào” (Tông huấn Amoris Leatitia, số 288).

Kinh nguyện Gia đình có nội dung độc đáo là chính cuộc sống Gia đình. Qua những cảnh huống khác nhau, cuộc sống muôn màu muôn vẻ của Gia đình với những biến cố vui buồn, lo âu và hy vọng, an bình và sóng gió… đều trở thành cơ hội mời gọi mọi thành viên trong Gia đình nhận ra dấu chỉ về sự hiện diện ưu ái của Thiên Chúa (x. Thánh GH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, số 59). Thật vậy, khi Gia đình cùng nhau cầu nguyện là Gia đình cùng nhau chung sống… Những phần tử của mỗi Gia đình, khi hướng mắt nhìn lên Chúa Giêsu, cũng lấy lại được khả năng nhìn vào mắt của nhau, khả năng nói chuyện với nhau, khả năng tha thứ cho nhau, và khả năng nhìn thấy giao ước yêu thương của họ được canh tân trong Thần Linh Chúa” (Thánh GH Gioan Phaolô II, Tông thư Kinh Mân Côi, số 41).

Tại Việt Nam, cầu nguyện chung trong Gia đình qua các giờ kinh tối và kinh sáng là một truyền thống đạo đức rất tốt đẹp. Tuy nhiên, truyền thống này đang bị mai một dần do ảnh hưởng của nếp sống đô thị hoá hiện nay. Do đó, cần làm sống lại truyền thống tốt đẹp này bằng cách thu xếp giờ kinh phù hợp về thời lượng và chất lượng để tiện cho mọi người tham gia. Đặc biệt trong cơn đại dịch này, nhất là trong Tháng Mân Côi, nhiều Giáo phận và nhiều Giáo xứ có nhiều sáng kiến để khích lệ việc tổ chức Giờ Kinh Tối trong các Gia đình như : Giựt chuông báo, Kinh tối trực tuyến, In sách Kinh tối với Lời Chúa để gởi đến các Gia đình. Và các bạn trẻ với kiến thức về truyền thông đã trở thành nhân tố tích cực trong việc tổ chức Giờ kinh tối trong các Gia đình.

Cầu nguyện riêng từng cá nhân

Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích người trẻ nên đối thoại với Chúa Giêsu. Ngài viết : “Với Đức Giêsu chúng ta có thể đàm đạo với Người. Cầu nguyện là một thách đố và cũng là một cuộc phiêu lưu. Và cuộc phiêu lưu thật là thú vị biết bao! Nó cho phép chúng ta biết Người mỗi ngày một hơn, cho chúng ta đi vào tương giao sâu xa với Người và càng ngày càng kết hợp bền chặt hơn với Người. Cầu nguyện cho phép chúng ta chia sẻ với Người mọi điều xảy đến với mình và tín thác trong vòng tay của Người, đồng thời cầu nguyện cũng cho chúng ta những giây phút thân tình quý giá, trong đó Đức Giêsu trao ban sự sống của Người cho chúng ta” (Tông huấn Christus Vivit, số 155).

Vì vậy, cần phải giữ “kết nối” với Đức Giêsu, và cần được bảo đảm rằng mình luôn “tương tác” với Chúa qua việc lắng nghe Người, chia sẻ cho Người câu chuyện của đời mình, và thậm chí khi đứng trước tình huống không biết nên làm gì thì hãy hỏi Người : “Lạy Chúa Giêsu, ở địa vị con, Người sẽ làm gì?” (ĐTC Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 158). Người trẻ hiện đại có một tấm gương rất trẻ trung và hiện đại là Chân phước trẻ Carlo Acutis : Từ khi còn là một cậu bé, đặc biệt là sau khi Rước lễ lần đầu, Carlo không ngày nào bỏ Thánh lễ, lần chuỗi Mân Côi và chầu Thánh Thể.

Trong thời buổi “giãn cách”, người trẻ có cơ hội “sống chậm” để suy tư về cuộc đời nhưng quan trọng hơn với người trẻ Công giáo chính là thời gian quý giá để củng cố mối thâm tình với Chúa Giêsu trong cầu nguyện riêng : nơi tĩnh lặng, thoát khỏi những ồn ào, trước ảnh tượng Chúa – Đức Mẹ – Thánh Bổn Mạng trong phòng riêng, khi đọc 1 đoạn hoặc 1 câu Lời Chúa… Điều này nâng đỡ người trẻ rất nhiều trong một hoàn cảnh rất đặc biệt của cuộc sống xã hội hôm nay. Và nhờ đó, mà có nhiều người trẻ dấn thân lên đường trở thành những tình nguyện viên chăm sóc và phục vụ các bệnh nhân, giúp đỡ những anh chị em lâm cảnh đói nghèo với năng lượng tích cực được kín múc từ những phút giây rất riêng tư với Chúa Giêsu.

Cầu nguyện trong gia đình và Phụng vụ Thánh lễ

Trong một thông điệp do hồng y Parolin ký và được công bố vào thứ Hai ngày 23 tháng 8 năm 2021, Đức Phanxicô lo lắng về hệ quả của việc tham dự Thánh lễ do đại dịch mang lại. Ngài xem việc giảm sút số người đi dự lễ là “dấu hiệu đáng báo động về giai đoạn thay đổi của thời đại”. Giáo hội tại Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm đó ngay trong thời điểm hiện tại : số người trẻ đến nhà thờ tham dự Thánh lễ Chúa Nhật tại những “vùng xanh” khá thưa thớt, những sinh hoạt cộng đoàn dường như mất dạng, tâm lý lo ngại hoang mang và phòng thủ còn đè nặng…

Tuy nhiên, với cái nhìn tích cực, chúng ta có thể thấy được những tín hiệu khả quan : nhiều người trẻ tiếp cận và giúp cho Gia đình tham dự Thánh lễ trực tuyến cách trọn vẹn hơn, Thánh lễ trực tuyến do các Giám mục cử hành luôn có đông đảo lượt người xem trực tiếp… Và như thế, Thánh lễ tại các Nhà thờ đã nhờ phương tiện truyền thông mà vào tận các Gia đình, khiến nhiều người già yếu bệnh tật trước chỉ được “nghe” Thánh lễ thì nay đã được “xem trực tiếp” Thánh lễ của các Đấng bậc trong Giáo hội. Trong tình huống “bất đắc dĩ” đó, nhiều người trẻ được thúc đẩy khơi lên niềm khát khao đến Nhà thờ tham dự Thánh lễ và Rước Chúa cách trực tiếp chứ không “thiêng liêng” nữa. Thế nên, cách nào đó, cơn đại dịch mà chúng ta đang phải hứng chịu lại được Chúa dùng như sợi dây nối kết những lời cầu nguyện trong các Gia đình với Phụng vụ Thánh lễ.

Đã rõ là việc cầu nguyện trong Gia đình là bước khởi đầu dẫn đến những lời cầu nguyện chính thức của Giáo Hội. Thánh Gioan Phaolô II đã viết : “Trong Hội Thánh tại gia, mục đích quan trọng của kinh nguyện là bước dẫn nhập tự nhiên cho người trẻ bước vào kinh nguyện phụng vụ của toàn thể Hội Thánh, vừa chuẩn bị chúng đi vào kinh nguyện phụng vụ, vừa mở rộng vòng kinh nguyện này vào trong lãnh vực đời sống cá nhân, gia đình và xã hội” (Tông huấn Familiaris Consortio, số 61). Như thế, việc người trẻ thực hành cầu nguyện trong Gia đình phải trở thành điểm then chốt của đời sống Đạo để góp phần hình thành mối liên kết sống động với Đức Kitô, nhờ được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, bằng sự hiến dâng chính mình và bằng việc mở lối đến việc cử hành Phụng vụ Thánh lễ trong cộng đoàn Giáo Hội.

Kết luận

Hội đồng Giám Mục Việt Nam đã xác định rõ ràng : “Gia đình là nơi người trẻ tập sống tương quan căn bản với Thiên Chúa trong cầu nguyện”, và các ngài “ước mong các bạn trẻ cùng với cha mẹ mình vun đắp gia đình thành ngôi nhà cầu nguyện” (Thư Mục Vụ 2020, số 6).

Các bạn trẻ có khả năng và bổn phận thực hành việc cầu nguyện trong Gia đình khi đóng vai trò tích cực trong việc cầu nguyện chung với nhau và cùng nhau nối kết với Phụng vụ Thánh lễ trong hoàn cảnh đặc thù do dịch bệnh gây ra. Đồng thời, nhờ gắn bó cách cá vị với Chúa trong những giây phút cầu nguyện cá nhân, người trẻ kín múc ân sủng tuôn đổ dạt dào do Lòng Thương Xót và do tình bằng hữu của Chúa Kitô đang sống và đang hoạt động trong Giáo Hội và trong thế giới hôm nay.

Và như thế, việc người trẻ tham dự hữu hiệu vào đời sống và sứ mạng của Giáo Hội và xã hội, sẽ tỷ lệ thuận với việc trung thành cầu nguyện trong Gia đình, mà nhờ đó họ kết hợp sống động với cây nho sai trái là Đức Kitô, là Thầy dạy những người trẻ cầu nguyện (x. Lc 11,2-4; Mt 6,9-13; x. Tông huấn Familiaris Consortio, số 62).

Bài viết liên quan

GIA ĐÌNH LÀ NƠI NGƯỜI TRẺ LUYỆN TẬP TÍNH TRUNG THỰC VÀ LÒNG QUẢNG ĐẠI

Vũ Văn Hài

CHƯƠNG TRÌNH NGÀY HÀNH HƯƠNG KÍNH ĐỨC MẸ FATIMA RẠCH SÚC

Vũ Văn Hài

MỤC VỤ LỜI CHÚA : CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG – A

Vũ Văn Hài