YÊU THƯƠNG – DẤU CHỈ CỦA NGƯỜI CON CHÚA
Năm 1922, Mahatma Gandhi nhà lãnh đạo bất bạo động của Ấn Độ đã đấu tranh chống thực dân Anh. Gandhi bị chính quyền Anh kết án 6 năm tù và bị đày tới trịa giam Gé-rac-da Gaôn.
Tên quản đốc ra lệnh biệt giam Gandhi. Mọi liên hệ đều do một tên tù nổi tiếng lạnh lùng phụ trách. Vì bất đồng ngôn ngữ cả hai chỉ trao đổi bằng cử điệu và ánh mắt.
Một hôm trên đường đem cơm đến phòng giam của Gandhi, người tù da đen bị rắn độc cắn. Vội vàng Gandhi gạt phần cơm qua một bên, đập bể bát cơm lấy mảnh bát rạch hình chữ thập trên vết thương rắn cắn, ghé miệng hút máu nhiễm độc ra và chữa trị cho anh ta. Người tù da đen liền quỳ gối xuống trước mặt Gandhi cám ơn. Trái tim chai cứng lạnh lùng, vô cảm đã rung động vì hành vi yêu thương đầy tình người của Gandhi. Anh tù da đen đã thay đổi hoàn toàn.
Chính quyền Anh đã an tâm khi dựng lên một bức tường kiên cố ngăn cách Gandhi với các đồng hương. Bức tường ấy là người tù da đen lạnh lùng vô cảm. Tuy nhiên, một sợi dây leo đã bò qua được bức tường ấy. Đó là sợi dây leo tình thương. Tình thương đã biến đổi lòng người sơ cứng, biến đổi anh tù da đen thành bạn thân của nhà lãnh đạo cách mạng Gandhi. Từ đó họ sống chết có nhau.
Đạo Công Giáo là đạo bác ái, đạo tình thương – bác ái là dấu chỉ người Kitô hữu. Không thể là Kitô hữu chân chính nếu không sống đức bác ái. Không thể là thành phần của Giáo hội đúng nghĩa nếu không có cuộc sống đạo đức thấm nhuần tinh thần yêu thương.
Ở đời người ta sống không chỉ bằng cơm bánh mà còn sống bằng tình thương. Chính trong đại dịch Cô-vid đã cho chúng ta thấy những tấm lòng tương thân tương ái. Rất nhiều người hảo tâm không nại đến chuyện người được giúp tốt hay xấu trong quá khứ mà chỉ biết người đó đang gặp khó khăn và cần giúp đỡ. Chúng ta không thể cân, đo, đong, đếm hết tình thương mà những tấm lòng quảng đại mang lại cho chúng ta. Truyện ngắn của Lev Tonxtoi: “Người ta sống bằng gì ?”, tác giả cho ta câu trả lời rất chính xác – người ta sống không cha mẹ, không anh chị em, không người thân nhưng vẫn sống. Con người sống bằng tình thương. Khi người ta có tình thương, có tấm lòng nhân ái thì biết chia sẻ, thông cảm giúp đỡ, chia cơm xẻ áo cho nhau. Như thế không ai phải chết đói, đau khổ, bị bỏ rơi trong xã hội.
Đức Giêsu khuyên chúng ta phải yêu thương nhau, phục vụ mọi người nhất là những người nghèo đói, bị bỏ rơi, tù đày. Yêu thương hết mọi người không trừ ai, kể cả kẻ thù của chúng ta, những kẻ bách hại chúng ta. Chúa Giêsu dạy: “Thầy bảo anh em, hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em (Mt 5, 44). Tình thương bác ái chính là bản chất và là dấu chỉ của người con Chúa: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau” (Ga 13, 35).
Lạy Chúa, đức ái là qui luật tối thượng của người Kitô hữu và là dấu chỉ của người con Chúa. Xin Chúa cho chúng con yêu mến Chúa thiết tha và yêu thương anh em để chúng con trở thành chứng nhân tình thương của Chúa trong thế giới hôm nay. Amen.
Gk. Phan Văn Giàu