HAI LOẠI THUỐC GIÚP HẠN CHẾ F0 CHUYỂN BIẾN NẶNG KHI CÁCH LY TẠI NHÀ
BS Trần Như Ý Lan, Dòng Đức Bà
Ngày 10/8/2021
WHĐ (10.8.2021) – Thời gian gần đây, nhiều ca F0 mắc COVID-19 không triệu chứng cách ly tại nhà, sau đó xuất hiện triệu chứng nhưng chưa kịp đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời, diễn tiến nặng và tỷ lệ tử vong cao.
Cuối tháng 7/2021 tôi có viết bài “Làm gì nếu bạn hay/và người thân là F0- mắc bệnh COVID-19?” đã được đăng trên trang mạng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Bài viết đó vẫn giữ nguyên tính đúng đắn. Nay tôi chỉ cập nhật một thông tin quan trọng của Sở Y Tế Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) về việc điều trị cơ bản F0 khi cách ly tại nhà nhằm giúp hạn chế F0 chuyển nặng.
Ngày 9/8/2021 Sở Y tế TP HCM ban hành văn bản gửi các cơ sở y tế điều trị COVID-19, nơi cách ly tập trung, về cập nhật Hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 cách ly tại nhà. Văn bản này hướng dẫn sử dụng thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống cho trường hợp F0 có triệu chứng sớm của suy hô hấp và chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ, nhằm giúp hạn chế F0 chuyển nặng.
Triệu chứng sớm của suy hô hấp
– Cảm giác khó thở và/hay nhịp thở > 20 lần/phút ;
– và/hay SpO2 < 95% (nếu có): có thể mua máy đo hoặc tải app.
- Thuốc kháng viêm corticoid, có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau:
– Dexamethasone: Người lớn: 6 mg/lần/ngày. Trẻ em: 0,15 mg/kg/ngày (tối đa 6 mg/ngày), uống sau khi ăn (tốt nhất vào buổi sáng).
– Prednisolone: Người lớn: 40 mg/lần/ngày. Trẻ em: 1 mg/kg/ngày (tối đa 40 mg/ngày), uống sau khi ăn (tốt nhất vào buổi sáng).
– Methylprednisolone (Medrol): Người lớn: 16 mg/lần, uống 2 lần/ngày cách 12 giờ. Trẻ em: 0,8 mg/kg/lần, 2 lần/ngày cách 12 giờ (tối đa 32 mg/ngày), uống sau khi ăn (buổi sáng và buổi tối).
Nếu có đáp ứng tốt, thời gian sử dụng tối đa là 7 ngày.
Những người có tiền sử viêm loét dạ dày – tá tràng cần rất thận trọng và theo dõi sát khi uống các thuốc corticoid. Nên uống kèm thuốc dạ dày như phosphalugel 1 gói/lần x 3 hay 4 lần/ ngày. Các loại thuốc này đều có thể mua dễ dàng tại các nhà thuốc tây.
- Thuốc chống đông dạng uống
Rivaroxaban: 10 mg/lần/ngày, uống sau khi ăn, thời gian sử dụng tối đa 7 ngày.
Lưu ý
– Bệnh nhân cần theo dõi các dấu hiệu xuất huyết như chấm hay mảng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa (ói máu tươi hay bầm, đi tiêu phân đen…). Ngưng thuốc chống đông nếu xuất hiện các triệu chứng xuất huyết như mô tả trên.
– Thận trọng ở người trên 80 tuổi.
– Chống chỉ định đối với phụ nữ có thai và cho con bú, người suy gan, suy thận, có tiền căn xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết tiết niệu (tiểu máu), có các bệnh lý dễ chảy máu.
Thuốc chống đông dạng uống Rivaroxaban là loại thuốc chống đông non-heparin mới, được dùng trong dự phòng đột quỵ và huyết khối ở người bệnh rung nhĩ, dự phòng huyết khối tĩnh mạch ở người bệnh thay khớp háng, khớp gối. Hiện nay, trên thế giới, thuốc này được nghiên cứu thử nghiệm đánh giá hiệu quả ngăn ngừa huyết khối trên người mắc COVID-19, nhưng vẫn chưa đủ chứng cứ khoa học để đưa vào phác đồ điều trị. Trong tình huống hiện tại đại dịch đang bùng phát khốc liệt với nhiều trường hợp chuyển nặng tại nhà, các chuyên viên khuyến cáo có thể sử dụng thuốc này theo hướng dẫn như trên nhằm hạn chế tỷ lệ chuyển nặng tại nhà.
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng virus mới SARS-CoV-2 của Bộ Y tế cập nhật bản mới nhất có khuyến cáo sử dụng thuốc chống đông heparin tiêm dưới da cho những trường hợp có độ nặng từ trung bình trở lên.
Sở Y tế TP.HCM khuyến khích các bệnh viện đẩy mạnh nghiên cứu sử dụng thuốc này trong điều trị COVID-19 nhằm đóng góp vào kho dữ liệu khoa học y tế, làm căn cứ để kiến nghị Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế bổ sung vào Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 trong thời gian tới.[1]
Các F0 cách ly tại nhà nên mua sẵn thêm hai loại thuốc trên để khi cần thì có thuốc sử dụng ngay.
Ngoài ra, bài này bổ sung vài lưu ý trong sử dụng thuốc mà bài trước tôi không đề cập đến.
- Lưu ý về thuốc ho khi bị COVID-19:
Bệnh nhân COVID-19 không nên dùng các thuốc ho ức chế phản xạ ho mà chỉ nên dùng thuốc long đàm như Exomuc (acetylcysteine)
Liều dùng:
Người lớn và trẻ em trên 7 tuổi: 1 gói 200 mg/lần, 3 lần/ngày.
Trẻ em trên 2 tuổi- 7 tuổi: 1 gói 100 mg/lần, 2 lần/ngày. Hòa tan cốm trong nửa ly nước để uống, uống trước hoặc sau bữa ăn.
Chống chỉ định:
Trẻ em dưới 2 tuổi. Phenylketon niệu (do có chứa aspartame)
Tiền sử hen (nguy cơ phản ứng co thắt phế quản).
Dị ứng với acetylcysteine.
Thận trọng: khi dùng cho bệnh nhân bị loét dạ dày-tá tràng.[2]
- Bệnh nhân nặng cần nhập viện
– Gọi số 115 và báo Trung Tâm Y Tế địa phương
– Nếu không được thì gọi tiếp như sau:
– Tổng đài 1022 bấm số 4
– Hotline cấp cứu nhanh: 0939596999
– Hotline cấp cứu: 0989401155
- Hai loại thuốc tinh thần quan trọng
Chỉ là nhắc lại điều đã được nói trong bài trước: một tinh thần lạc quan tích cực và niềm tin yêu cậy trông phó thác vào Chúa và Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse.
[1] Bích Huệ, “2 loại thuốc giúp F0 hạn chế chuyển nặng khi cách ly tại nhà <https://baomoi.com/2-loai-thuoc-giup-f0-han-che-chuyen-nang-khi-cach-ly-tai-nha/c/39818662.epi>, (9/8/2021); Thu Hiền, “Sở Y tế TP.HCM cập nhật hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà”, <https://tuoitre.vn/so-y-te-tp-hcm-cap-nhat-huong-dan-cham-soc-nguoi-mac-covid-19-tai-nha-20210809210059639.htm>, (9/8/2021).
[2] <https://pharmacy.jiohealth.com/thuoc-ho-long-dom-exomuc-200mg/p-799>