GIA ĐÌNH LÀ TRƯỜNG DẠY NGƯỜI TRẺ CẦU NGUYỆN

ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI TRẺ TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

GIA ĐÌNH LÀ TRƯỜNG DẠY NGƯỜI TRẺ CẦU NGUYỆN

Pet. Vũ Văn Hài

Sau chuyến thăm Việt Nam vào năm 2005, Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo Crescencio Sepe đã rất ngạc nhiên thích thú khi thấy bầu khí sốt sắng trang nghiêm của đông đảo tín hữu Công giáo Việt Nam trong các Thánh lễ và các sinh hoạt đạo đức, đến nỗi ngài kể rằng : “Khi về tới Vatican, tôi báo cáo về chuyến đi Việt Nam cho Đức Thánh Cha Benedicto XVI và nói với ngài : ‘nếu có vị giáo sĩ nào ở Vatican cảm thấy lòng đạo bớt sốt sắng, thì xin Đức Thánh Cha cử vị ấy đi Việt Nam 1 chuyến’. Đức Thánh Cha mỉm cười trả lời : ‘Vậy Cha cũng phải thu xếp thăm Việt Nam mới được!’”. Câu chuyện này được Đức Hồng y Sepe kể cho linh mục tu sĩ Việt Nam tại Roma, như để bày tỏ sự ngưỡng mộ lòng đạo đức sốt sắng của người Công giáo Việt Nam.

Nhưng đã 16 năm trôi qua, xã hội Việt Nam thay đổi rất nhanh chóng. Nếu so với Âu Châu thì “lòng sùng đạo” của người Công giáo Việt Nam vẫn còn khá cao. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận thực tế đang diễn ra : việc đọc kinh chung trong gia đình giảm đi khá nhiều, người đến tham dự Thánh lễ không đông còn như trước, người trẻ ngày càng thờ ơ với đời sống cầu nguyện…

Để đồng hành với các bạn trẻ trong đời sống gia đình, Hội đồng Giám mục Việt Nam khẳng định rằng : “Gia đình là nơi người trẻ tập sống tương quan căn bản với Thiên Chúa trong cầu nguyện.” (Thư mục vụ năm 2020, số 6).

Gia đình là “trường” dạy cầu nguyện

Gia đình là cộng đồng đối thoại với Thiên Chúa, là trường dạy người trẻ gắn bó với Chúa trong cầu nguyện (x. Thánh GH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, số 55-66).

Giáo lý của Hội Thánh Công giáo dạy : “Gia đình Kitô hữu là nơi đầu tiên để học cầu nguyện. Ðược xây dựng trên bí tích Hôn Phối, gia đình là “Hội Thánh thu nhỏ”, là nơi con cái Thiên Chúa học biết cầu nguyện “với tư cách là Hội Thánh” và kiên trì cầu nguyện. Ðặc biệt với các trẻ nhỏ, kinh nguyện hằng ngày của gia đình là chứng từ đầu tiên về ký ức sống động của Hội Thánh luôn được Chúa Thánh Thần nhắc nhở” (số 2685).

Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên các hiền mẫu cần phải biết “dạy cho con của mình làm cử chỉ hôn Chúa Giêsu hay Đức Mẹ. Một cử chỉ dịu dàng tình cảm biết bao! Khi ấy trái tim của con trẻ sẽ trở thành nơi cầu nguyện…” (ĐTC Phanxicô, Tông huấn Amoris Leatitia, số 287).

Kinh nghiệm cầu nguyện của nhiều linh mục, tu sĩ… được hình thành từ môi trường cầu nguyện trong gia đình : hình ảnh ông bà nội và cha mẹ đọc kinh hôm kinh mai mỗi ngày, hay hình ảnh người cha quỳ gối cầu nguyện trước Bàn thờ vào đêm khuya… in đậm trong tâm khảm của người trẻ và lưu dấu ấn khó phai trong lòng! Những lời kinh được cả gia đình cầu nguyện, đã trở nên lời cầu nguyện trong suốt cuộc đời, điển hình như lời kinh : “Gia đình con khi có ai được Chúa gọi đi tu, Mẹ giúp vâng ơn Chúa đến cùng”… đã là lời kinh mỗi ngày của nhiều linh mục, tu sĩ!

Như vậy, trong khung cảnh gia đình là Hội Thánh tại gia”, cha mẹ cùng với con cái, hằng ngày học và tập cầu nguyện như Hội Thánh kiên trì cầu nguyện. Chính những giờ cầu nguyện chung với nhau trong gia đình là bài học về cầu nguyện, đồng thời để lại trong lòng người trẻ một ấn tượng khó quên về một mái ấm đạo hạnh và hình thành một thói quen cầu nguyện trong suốt cuộc đời.

Cha mẹ “thầy” dạy cầu nguyện

Thánh GH Gioan Phaolô II đã viết trong Tông huấn về Gia đình như sau : “Trên căn bản phẩm giá và sứ mạng của họ, các cha mẹ Kitô hữu có bổn phận đặc biệt phải giáo dục cho con cái họ biết cầu nguyện, phải đưa chúng tới chỗ dần dần khám phá ra mầu nhiệm Thiên Chúa và đối thoại cá nhân với Ngài : ‘Nhất là gia đình Kitô giáo đã nhận được những ân sủng, và đòi hỏi phong phú của bí tích Hôn phối, nên ở đó ngay từ nhỏ, trẻ em phải được dạy dỗ để nhận biết và thờ kính Thiên Chúa cùng yêu mến tha nhân, theo như đức tin chúng đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa Tội’” (Familiaris consortio, số 60).

Có thể nói rằng, cha mẹ “thầy đầu tiên” nói về Chúa cho con cái mình : dạy con làm dấu Thánh giá trước bữa ăn, trước khi uống thuốc, cúi đầu trước bàn thờ Chúa, “khoanh tay… ạ” trước ảnh tượng Chúa – Đức Mẹ – Các Thánh… Cha mẹ cũng trở nên “thầy” dạy cầu nguyện khi dạy con cái tập cầu nguyện ở bất cứ nơi nào: trường học, trên các phương tiện giao thông, trước sau các cuộc hội họp… Nhưng quan trọng hơn là cầu nguyện ở những nơi thánh : nhà thờ, là nơi có Chúa Giêsu ngự trong Nhà Tạm (x. Youcat, số 498).

Hơn nữa, trong khung cảnh gia đình, cha mẹ cần giúp người trẻ luôn nhớ có Chúa hiện diện trong gia đình, cụ thể là mỗi nhà nên có một bàn thờ Chúa được đặt tại nơi trang trọng nhất. Trong phòng riêng, cũng nên dạy cho con cái dành một “chỗ cầu nguyện” xứng đáng, có ảnh tượng và Sách Thánh, để con cái có thể : “đóng cửa lại cầu nguyện cùng Cha, Ðấng hiện diện nơi kín đáo” (Mt 6,6).

Cha mẹ là “tấm gương” cầu nguyện

Ngoài việc là “thầy” dạy con cái cầu nguyện, cha mẹ cần có một đời sống gương mẫu trong cầu nguyện – nói với Chúa – và “một đời sống được dệt bằng tình yêu, sự giản dị, sự dấn thân cụ thể và những việc làm chứng thường ngày” (Tông huấn Familiaris consortio, số 53). Gương cầu nguyện, chứng tá sống động của cha mẹ, là yếu tố căn bản và không thể thay thế được trong việc giáo dục cầu nguyện : chỉ khi nào cha mẹ cầu nguyện và cùng cầu nguyện với con cái, thì hình ảnh sống động này sẽ in sâu vào lòng con cái và để lại đó những bài học cầu nguyện cho con cái về sau.

Hãy nghe lại lời kêu gọi mà Đức Phaolô VI đã ngỏ lời với cha mẹ, được trích lại trong Tông huấn Familiaris consortio : “Hỡi các bà mẹ, chị em có dạy cho các con nhỏ của mình những lời kinh của người Kitô hữu không? Chị em có cộng tác với các linh mục để chuẩn bị cho chúng lãnh nhận các bí tích của thời niên thiếu: xưng tội, rước lễ, thêm sức không? Nếu chúng đau ốm, chị em có tập cho chúng quen nghĩ tới những sự đau khổ của Đức Kitô, quen kêu cầu sự giúp đỡ của Đức Mẹ Đồng Trinh và các thánh không? Chị em có lần hạt chung với chúng ở gia đình không? Còn anh em hỡi những người cha, anh em có biết cầu nguyện chung với con cái, với cộng đồng gia đình, ít là thỉnh thoảng không? Gương sống của anh em qua sự ngay thẳng trong tư tưởng và hành động, được hỗ trợ bằng ít nhiều kinh nguyện chung, quả là một bài học sống, một hành vi thờ phượng đáng tuyên dương. Như thế anh em đang đem bình an vào trong tổ ấm gia đình anh em: “Bình an cho nhà này”. Đừng quên rằng làm như thế là anh em đang xây dựng Giáo Hội!” (Tông huấn Familiaris consortio, số 60).

Đã tròn 1 năm Giáo hội Việt Nam thực hiện đường hướng Mục vụ năm 2020 : “Đồng hành với các bạn trẻ trong đời sống gia đình”, nhưng do ảnh hưởng của trận đại dịch Covid-19, nên trong thư Mục vụ ngày 12.10.2021 vừa qua, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhận định : “Đại dịch cũng gây tác động tiêu cực trên đời sống đức tin của chúng ta. Dịch bệnh kéo dài khiến người tín hữu không thể trực tiếp tham dự các cử hành phụng vụ tại nhà thờ, mất đi sự nâng đỡ của cộng đoàn trong Giáo Hội, và nhiều người cảm thấy nao núng trong niềm tin vào tình yêu của Cha trên trời” (số 1).

Vì thế, các vị chủ chăn mời gọi : “Trong mùa dịch, mọi người trong gia đình có cơ hội ở gần nhau nhiều hơn, vì thế anh chị em hãy củng cố việc cầu nguyện sớm tối, lần hạt Mân Côi trong gia đình, nhờ đó mọi người trong nhà gắn kết với nhau hơn trong Chúa, cùng nhau vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay” (số 2).

Ước gì mọi thành viên trong các gia đình Công giáo nỗ lực góp phần của mình, để gia đình luôn là môi trường tuyệt vời nhất để các bạn trẻ hít thở bầu khí cầu nguyện hầu tạo lập được tương quan căn bản với Thiên Chúa là Cha yêu thương.

Related posts

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ RẠCH SÚC : 13.01.2023

CHƯƠNG TRÌNH TẾT NGUYÊN ĐÁN QUÝ MÃO – 2023

GIÁO HUẤN SỐ 6 : PHỤNG VỤ LÀ GÌ ?