TÒA THÁNH CÔNG BỐ CÁC TÀI LIỆU CHUẨN BỊ CHO THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
“Con đường mang tính hiệp hành chính là điều mà Thiên Chúa mong đợi ở Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ ba,” tài liệu mới nêu rõ khi trích lời Đức Thánh Cha Phanxicô.
“Cuộc hành trình này, diễn ra sau quá trình ‘đổi mới’ của Giáo hội do Công đồng Vatican II đề xuất, vừa là một món quà vừa là một nhiệm vụ cần thực hiện.”
Vào ngày mùng 7 tháng 9, Tòa Thánh đã công bố “Văn kiện chuẩn bị” dầy 22 trang, “Vì một Giáo hội mang tính hiệp hành: Hiệp thông, Hợp tác và Truyền giáo,” và cuốn Cẩm Nang dầy 42 trang, dành cho giai đoạn cấp giáo phận của Thượng hội đồng.
Thượng Hội đồng về Gia đình họp tại Hội trường Thượng Hội đồng ở Vatican vào ngày 21 tháng 10 năm 2015./ L’Osservatore Romano
Cuốn Cẩm Nang này bao gồm các lời cầu nguyện, mô tả về tính đồng nghị, các mục tiêu của tiến trình Thượng hội đồng và những câu hỏi chính mà các cộng đồng Công giáo địa phương được yêu cầu đưa ra phản hồi. Tài liệu nhấn mạnh rằng các giáo phận nên tập trung vào “sự hòa nhập và tham gia tối đa” giữa những người Công giáo đã được rửa tội trong tiến trình Thượng hội đồng ở cấp giáo phận.
Tài liệu chuẩn bị đã được phát hành trong khoảng thời gian “biện phân trước kỳ thượng hội đồng” sẽ góp phần hoàn thiện bản thảo thứ hai của văn bản dự kiến sẽ được xuất bản trước tháng 6 năm 2023.
Theo Vatican, văn kiện chuẩn bị là “một công cụ để tạo điều kiện cho giai đoạn đầu tiên của việc lắng nghe và tham khảo ý kiến của Dân Chúa trong các Giáo hội địa phương”, tức là giai đoạn cấp giáo phận của Thượng hội đồng.
Giai đoạn cấp giáo phận
Trong giai đoạn ở cấp giáo phận, mỗi đức giám mục được yêu cầu thực hiện quá trình tham vấn với Giáo hội địa phương từ ngày 17 tháng 10 năm 2021 đến tháng 4 năm 2022.
Cẩm nang này cho biết các giáo phận nên tổ chức các buổi họp mặt địa phương để “tham vấn cho Thượng hội đồng” và cũng cho phép các cá nhân đưa ra phản hồi trực tiếp cho giáo phận.
Tài liệu cũng đề nghị rằng nhiều giáo xứ cùng nhau tham gia các “cuộc họp tham vấn cho Thượng hội đồng” này để “nhiều người từ các nhóm kinh tế xã hội, dân tộc, nhóm tuổi khác nhau” được tham gia.
Văn kiện chuẩn bị, Cẩm nang và Bảng câu hỏi sẽ được các giáo phận, cũng như Bề trên các dòng tu, các công đoàn và các liên đoàn đời sống thánh hiến, các phong trào giáo dân quốc tế và các trường đại học Công giáo xem xét trong giai đoạn này.
Quy trình Thượng hội đồng ở giáo phận nên “khai thác sự phong phú của kinh nghiệm sống của Giáo hội trong bối cảnh địa phương của mình,” cẩm nang viết.
Các câu hỏi chính cần được xem xét
Các câu hỏi được liệt kê ở cuối cuốn sổ tay, trong đó khẳng định “câu hỏi cơ bản” cần được các giáo phận và các đức giám mục xem xét trong quá trình sẽ kéo dài nhiều năm này như sau:
“Như được loan báo Tin Mừng, một Giáo hội mang tính hiệp hành là ‘đồng hành cùng nhau’. Vậy ‘cuộc đồng hành cùng nhau’ này diễn ra như thế nào trong Giáo hội địa phương của bạn? Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta thực hiện những bước nào để trưởng thành trong ‘cuộc đồng hành cùng nhau’ của chúng ta?”
Khi xem xét điều này, các giáo phận sẽ tiếp nhận và báo cáo phản hồi về những điều sau:
Đâu là những khó khăn, trở ngại và thương tổn trong Giáo hội địa phương?
Chúa Thánh Thần đang yêu cầu chúng ta điều gì?
Trong Giáo hội địa phương của chúng ta, ai là những người “bước đi cùng nhau”? ai là những người dường như bị bỏ rơi trong quá trình này?
Thiên Chúa nói với chúng ta qua những tiếng nói mà đôi khi chúng ta bỏ qua? Làm thế nào để tiếng nói của giáo dân được lắng nghe, đặc biệt là phụ nữ và người trẻ? Điều gì đã tạo điều kiện hoặc ngăn cản việc lắng nghe của chúng ta trước những tiếng nói ấy?
Mối quan hệ giữa các công việc truyền thông địa phương (không chỉ truyền thông Công giáo) hoạt động như thế nào? Ai lên tiếng thay cho cộng đồng tín hữu, và họ được chọn để lên tiếng thay như thế nào?
Làm thế nào để việc cầu nguyện và cử hành phụng vụ thực sự truyền cảm hứng và hướng dẫn cuộc sống và sứ vụ của chúng ta trong cộng đồng?
Điều gì cản trở người đã rửa tội được tham gia tích cực trong việc truyền giáo? Chúng ta đang bỏ quên những lĩnh vực truyền giáo nào?
Các nhóm sắc tộc khác nhau trong cộng đồng của chúng ta đã cùng nhau đối thoại ở mức độ nào? Địa điểm và phương tiện đối thoại trong Giáo hội địa phương của chúng ta là gì?
Sự khác biệt về tầm nhìn, hoặc những xung đột và khó khăn được giải quyết như thế nào? Chúng ta cần quan tâm hơn đến những vấn đề cụ thể nào trong Giáo hội và xã hội?
Cộng đồng Giáo hội của chúng ta có những mối quan hệ nào với các thành viên của các truyền thống Kitô giáo và hệ phái khác?
Làm thế nào để cộng đồng Giáo hội địa phương của chúng ta xác định các mục tiêu cần theo đuổi, cách để đạt được các mục tiêu đó, và các bước cần thực hiện? Quyền hoặc sự quản trị được thực hiện như thế nào trong Giáo hội địa phương của chúng ta?
Làm thế nào để chúng ta thúc đẩy sự tham gia vào quá trình ra quyết định trong cấu trúc phân cấp? Phương pháp ra quyết định của chúng ta có giúp chúng ta lắng nghe tiếng nói của toàn thể Dân Chúa không?
Tính hiệp hành (synodality) nghĩa là gì?
Tài liệu chuẩn bị mô tả tính đồng nghị là “hình thức, phong cách và cấu trúc của Giáo hội.”
Cuốn cẩm nang cho biết: “Tiến trình Thượng hội đồng trước hết là một tiến trình thiêng liêng. Đây không phải là một bài tập thu thập dữ liệu một cách máy móc hay một chuỗi các cuộc họp và tranh luận. Lắng nghe mang tính hiệp hành dẫn tới sự phân định.”
Cuốn cẩm nang này mô tả cuộc hiệp hành như một kinh nghiệm về “sự lắng nghe và biện phân đích thực trên con đường trở thành Giáo hội mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta trở thành”.
Thượng hội đồng về tính hiệp hành sẽ khai mạc với “giai đoạn cấp giáo phận” vào tháng 10 năm 2021 và kết thúc với Đại hội đồng thường kỳ lần thứ XVI của Thượng hội đồng Giám mục tại Vatican vào tháng 10 năm 2023.
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ “khai mạc con đường hiệp hành” vào cuối tuần ngày 9 hoặc 10 tháng 10 với một phiên khai mạc và một thánh lễ trọng thể. Các giáo phận cũng được mời gọi để dâng một thánh lễ khai mạc vào Chúa nhật ngày 17 tháng 10.
Một mục tiêu của Thượng hội đồng về tính hiệp hành, theo Văn kiện chuẩn bị, là xem xét “cách thức trách nhiệm và quyền lực được thực hành trong Giáo hội cũng như các cơ cấu quản lý chúng, nhằm đưa ra ánh sáng và cố gắng chuyển đổi các định kiến và thực hành méo mó, không bắt nguồn từ Phúc âm.”
“Mục đích của giai đoạn đầu tiên của cuộc hành trình mang tính hiệp hành là thúc đẩy một tiến trình tham vấn rộng rãi nhằm thu thập sự phong phú của những kinh nghiệm về tính hiệp hành, theo những cách trình bày và khía cạnh khác nhau của nó, liên quan đến các mục tử và tín hữu của các Giáo hội địa phương ở các cấp độ khác nhau,” Văn kiện chuẩn bị cho biết.
“Chúng tôi nhắc lại rằng mục đích của thượng hội đồng, và cũng là của cuộc tham vấn này, không phải là để tạo ra các tài liệu, mà là ‘để gieo mầm những giấc mơ, công bố những lời ngôn sứ và tầm nhìn, tạo điều kiện cho hy vọng được nảy nở, khơi dậy niềm tin, chữa lành vết thương, kết nối các mối quan hệ với nhau, đánh thức bình minh của hy vọng, học hỏi lẫn nhau và tạo ra một sự năng động tươi sáng sẽ soi sáng tâm trí, sưởi ấm trái tim, tiếp thêm sức mạnh cho đôi tay của chúng ta,” tài liệu trích dẫn từ bài diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô tại buổi khai mạc Thượng hội đồng giới trẻ vào tháng 10 năm 2018.
Vatican đã tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 7 tháng 9 để thảo luận về các tài liệu mới được công bố.
Đức Hồng Y Mario Grech, tổng thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục, đã phát biểu trong cuộc họp báo, cùng với các thư ký dưới quyền là Sơ Nathalie Becquart và Đức Giám Mục Luis Marín de San Martín. Myriam Wijlens và linh mục Dario Vitali, cố vấn của Thượng hội đồng, cũng đã trả lời các câu hỏi của các phóng viên.
Tại cuộc họp báo, Đức Hồng y Grech nói rằng tính hiệp hành là “hoa trái chín muồi” của Công đồng Vatican II.
Đức hồng y nói: “Thượng hội đồng không phải là cuộc họp quốc hội. Thượng hội đồng là một kinh nghiệm giúp mọi người lắng nghe Chúa Thánh Thần”.
Duc Trung Vu, CSsR
Theo Catholic News Agency (07.9.2021)