‘Thánh Giuse ngủ’ và ‘Đức Mẹ gỡ rối’

Thánh Giuse ngủ và Đức Mẹ gỡ rối
được ĐTC Phanxicô sùng kính

TGPSG / Aleteia — Việc sùng kính này phát xuất từ các ý cầu nguyện và các khủng hoảng trong hôn nhân.

Đức Thánh Cha Phanxicô (ĐTC) có những niềm sùng kính đặc biệt ít người biết đến, được cha Marcello Stanzione mô tả trong cuốn sách “ĐTC Phanxicô, giữa thiên thần và ác quỷ”.

Những việc sùng kính này, ĐTC dành cho Thánh Giuse và Đức Maria, nhưng nơi những ảnh tượng mà chúng ta ít thấy: Cụ thể là, ảnh ‘Thánh Giuse đang ngủ’ và ảnh ‘Đức Mẹ gỡ rối’.

Mối liên hệ với Thánh Giuse

ĐTC đã có mối liên hệ đặc biệt với Thánh Giuse khi ngài còn sống ở Argentina. Chính tại nhà thờ Thánh Giuse ở Buenos Aires, vào năm 1953, chàng trai 17 tuổi Jorge Mario Bergoglio đã khám phá ra ơn gọi của mình và nói lên ước muốn dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa và loài người.

Nhiều năm sau đó, vào ngày lễ Thánh Giuse 19-3-2013, cậu bé đó – nay đã trưởng thành – trở thành vị Giáo hoàng lãnh đạo Hội Thánh Chúa.

Hai bức tượng ở Santa Marta

ĐTC đã không thực hiện hành trình lãnh đạo này một mình. Ngài muốn Thánh Giuse đi với ngài, như một người dẫn đường bảo vệ kín đáo, một đấng tuy im lặng nhưng luôn chăm chú. Thậm chí hiện nay, trong phòng nghiên cứu cá nhân của ĐTC tại Casa Santa Marta, có hai bức tượng khắc họa thánh Giuse.

Trong đó, một bức tượng được ĐTC đặc biệt yêu quý. Ngài đã mang bức tượng này theo kể từ khi ngài sống tại Đại Chủng viện Dòng Tên ở San Miguel, nơi ngài là hiệu trưởng. Đó là một bức tượng khác thường đối với người Mỹ và người châu Âu, nhưng lòng sùng kính bức tượng này lại rất phổ biến nơi những người Công giáo Nam Mỹ: đó là bức tượng mô tả Thánh Giuse đang ngủ.

Đấng bảo vệ và ủi an

Trong khi ngủ, Thánh Giuse nhận được những thông điệp từ Thiên Chúa – cảnh báo ngài về mối nguy hiểm do vua Hêrôđê gây ra và giao phó cho ngài nhiệm vụ yêu thương và bảo vệ Đức Maria và Hài Nhi Giêsu.

Chính trong giấc mơ, Thánh Giuse chấp nhận vai trò cha nuôi của Chúa Giêsu và của cả nhân loại – một nguyên mẫu của người bảo vệ và ủi an. Thánh Giuse là người bảo vệ gia đình cách chu đáo và dịu dàng, một người công chính đón nhận và bảo vệ các mầu nhiệm của Thiên Chúa, như ngài đã sẵn sàng đón nhận và bảo vệ Đức Maria, người phụ nữ được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội của Con Một Người.

Lời mời “ngủ trên đó”

Cha Marcello Stanzione giải thích: Đây là lý do tại sao ĐTC có thói quen đặt dưới chân tượng Thánh Giuse một danh sách những vấn đề, những lời thỉnh cầu, những ý cầu nguyện của các tín hữu, giống như thể ngài đang mời gọi Thánh Giuse “ngủ trên đó”, có lẽ để Thánh nhân ngỏ lời tha thiết xin Chúa giải quyết những tình huống khó khăn và giúp đỡ những người đang gặp khó khăn, xin thánh nhân thể hiện vai trò người cha hay thương xót và trọn niềm quan tâm đến những người Thánh nhân hằng yêu thương.

Thánh Giuse là một vị thánh đặc biệt, luôn bảo vệ và giúp đỡ chúng ta ngay cả khi Thánh nhân đang ngủ!

Một khám phá ở nước Đức

Nhờ ĐTC Phanxicô mà lòng sùng kính ‘Đức Maria gỡ rối’ – cùng với tuần cửu nhật kính Mẹ – hiện đang phát triển rất nhiều trong Giáo hội Công giáo. ĐTC đã bắt đầu biết về lòng sùng kính này ở nước Đức, trong năm ngài nghiên cứu làm luận án về nhà thần học Romano Guardini người Đức gốc Ý; từ đó ngài đã yêu mến và truyền bá sự tôn sùng ‘Đức Mẹ gỡ rối’ khi ngài trở về Argentina.

Lòng sùng kính này phát triển, đơn giản là vì: đây là việc cầu nguyện xin ơn chữa lành những vết thương do ngoại tình, ly hôn và ly thân gây ra, vốn rất thường xuyên xảy ra ngày nay.

Thiên thần và những nút thắt

Trong nhà thờ Thánh Phêrô ở Augsburg, có một bức tranh (có lẽ có từ những năm 1700) vẽ về Đức Mẹ Maria.

Đức Trinh Nữ rất thanh thản, nhưng hoàn toàn tập trung vào nhiệm vụ được giao phó: tháo các nút thắt lớn và nhỏ trong một dải ruy băng trắng dài và rối ren, được một thiên thần bên trái dâng cho Mẹ; Mẹ thả rơi giải ruy băng này sang tay phải, đã phẳng phiu và không còn nút thắt nữa, vào tay một thiên thần khác.

Mặc dù lòng sùng kính này có nguồn gốc xa xôi trong một bản văn của Thánh Irênê, viết rằng “nút thắt do sự không vâng lời của Eva đã được tháo gỡ nhờ sự vâng lời của Đức Maria”. Tuy nhiên, ảnh tượng diễn tả lòng sùng kính này mới có gần đây thôi.

Năm 1612, nhà quý tộc người Đức Wolfgang Langenmantel kết hôn với Sophie Imhoff. Sau đó, do một cuộc khủng hoảng hôn nhân, họ đã chuẩn bị ly hôn. Wolfgang đã đến tu viện Ingolstadt (cách Augsburg khoảng 50 dặm về phía đông bắc) để xin giúp đỡ.

“Người Mẹ ba lần đáng ngưỡng mộ”

Trong khoảng thời gian 28 ngày, nhà quý tộc này đã đến thăm tu viện 4 lần để xin lời khuyên của linh mục Jakob Rem Dòng Tên. Với kinh nghiệm của mình, vị linh mục này phó thác tình huống ấy cho Đức Maria có danh hiệu “Người Mẹ ba lần đáng ngưỡng mộ”. Nhờ cùng với các tu sĩ Dòng Tên cầu nguyện với Đức Maria – Wolfgang sau đó đã nhận được ơn thay đổi hoàn cảnh gia đình của mình.

Cởi tất cả các nút thắt

Vào thời điểm đó, đám cưới ở nước Đức có truyền thống buộc tay đôi tân hôn với nhau bằng một dải ruy băng trắng, như biểu tượng của sự kết hợp nên một. Sophie, vợ của Wolfgang, cứ sau mỗi lần tranh cãi với chồng thì thắt một nút trong dải ruy băng đó. Ruy băng này đã được trao cho cha Rem, và cha đã giữ nó bên mình khi cha cầu xin Đức Trinh Nữ Maria giúp cho họ hòa giải với nhau. Vào ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng đó, ngày 28-9-1615, trong khi vị linh mục giơ dải băng xoắn xuýt đầy nút thắt và cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ, tất cả những nút thắt đó bỗng tự cởi ra một cách kỳ diệu, và dải băng đã trở lại thẳng thắn và phẳng phiu. Kể từ ngày đó, hai vợ chồng này đã hòa giải với nhau; cuộc ly hôn được ngăn chặn; và hai vợ chồng đã ở bên nhau cho đến khi qua đời.

Bức tranh gắn liền với lòng sùng kính ngày nay được cho là do một người cháu trai của cặp vợ chồng người Đức này đặt vẽ.

Gelsomino Del Guercio (Aleteia)
Vi Hữu (TGPSG) chuyển ngữ

Related posts

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ RẠCH SÚC : 13.01.2023

CHƯƠNG TRÌNH TẾT NGUYÊN ĐÁN QUÝ MÃO – 2023

GIÁO HUẤN SỐ 6 : PHỤNG VỤ LÀ GÌ ?