ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI
NHỮNG CUỘC TRÒ CHUYỆN CUỐI CÙNG VỚI PETER SEEWALD
Thiên Triệu giới thiệu
Mục lục |
Phần I: tập trung vào quyết định từ nhiệm của Đức Bênêđictô XVI và những ngày hưu dưỡng tại tu viện Mater Ecclesiae.
Phần II: hồi ức của Đức Bênêđictô XVI về thời thơ ấu đến khi làm linh mục, giáo sư, giám mục, hồng y Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin.
Phần III: hồi ức về triều Giáo hoàng của ngài.
Về mặt tiểu sử, có thể nói ngoài một số chi tiết mới, nội dung không có gì đặc biệt lắm vì đã được nói tới, không những trong các cuộc phỏng vấn trước đây cũng do Peter Seewald thực hiện, mà còn trong cuốn hồi ký của Đức Bênêđictô XVI (Milestone). Tuy nhiên cuộc trò chuyện với một nhân vật tầm cỡ thế giới luôn mang lại cho người đọc những gợi ý suy tư về cuộc đời cũng như về Giáo Hội và thế giới. Tác giả ước mong cuốn sách này “góp phần khiêm tốn vào việc sửa chữa những ý tưởng sai lầm, soi sáng những nơi tăm tối, nhất là về những hoàn cảnh liên quan đến sự từ nhiệm của Đức Bênêđictô, một sự kiện khiến cả thế giới nín thở. Điều quan trọng là hiểu biết hơn con người Joseph Ratzinger và mục tử Bênêđictô XVI, tôn trọng sự thánh thiện của ngài, và nhất là tiếp cận tác phẩm của ngài vốn ẩn chứa một kho tàng cho tương lai” (Lời tựa).
Sau đây xin giới thiệu một số trích đoạn từ tác phẩm.
1. Về quyết định từ nhiệm
Thưa Đức Giáo hoàng Bênêđictô, ngài dứt khoát đưa ra quyết định từ nhiệm vào lúc nào?
Tôi nghĩ là mùa hè năm 2012.
Vào tháng 8?
Gần như vậy.
Ngài bị suy sụp?
Suy sụp thì không nhưng tôi không khỏe lắm. Tôi cho là chuyến đi Mêhicô và Cuba làm tôi mệt nhiều. Chính bác sĩ đã khuyên tôi không nên bay qua Đại tây dương nữa. Nếu theo chương trình thì Ngày Giới trẻ thế giới ở Rio de Janeiro sẽ diễn ra vào năm 2014. Nhưng do cúp bóng đá thế giới, người ta đã đưa chương trình lên trước. Tôi muốn rút lui vào thời gian đó để vị giáo hoàng mới có thể chuẩn bị cho sự kiện ở Rio. Kể từ sau chuyến đi Mêhicô và Cuba, quyết định từ nhiệm rõ nét hơn.
Khi nào và ai là người soạn văn bản công bố từ nhiệm của ngài?
Chính tôi soạn. Tôi không thể nói chính xác là lúc nào, nhưng tôi đã viết trước đó 2 tuần hoặc hơn.
Tại sao bằng tiếng La tinh?
Vì một bản văn quan trọng như thế phải viết bằng La tinh. Hơn nữa tôi nắm vững tiếng La tinh để có thể viết cho chính xác. Dĩ nhiên cũng có thể viết bằng tiếng Ý nhưng có thể có một vài lỗi.
Trong lời tuyên bố từ nhiệm, ngài biện minh cho quyết định rời nhiệm vụ của ngài bằng việc sa sút sức khỏe. Sự suy giảm khả năng hoạt động có thật sự là lý do đủ để rời ngai tòa Thánh Phêrô không?
Dĩ nhiên người ta có thể thấy ở đây một sai lầm khi đưa ra cách giải thích duy nhiệm vụ và trách cứ tôi. Thật vậy, sự kế nhiệm Thánh Phêrô không chỉ gắn với một nhiệm vụ nhưng còn chạm đến chính con người. Vì thế nhiệm vụ không phải là tiêu chuẩn duy nhất. Nhưng đàng khác, vị giáo hoàng phải chu toàn một số công việc cụ thể, phải để mắt đến tất cả những gì đang diễn ra, phải xác định những việc ưu tiên…Từ việc tiếp đón các nguyên thủ quốc gia, tiếp đón các giám mục và thảo luận thật sự thân tình với các ngài, cho đến những quyết định phải đưa ra hằng ngày. Kể cả khi người ta cho là có thể bỏ một số việc thì vẫn còn rất nhiều, và những việc đó quan trọng đến nỗi nếu muốn chu toàn sứ vụ cách đúng đắn thì mọi sự đã rõ: ít ra là theo cách nhìn của tôi, người ta có thể nghĩ khác, đó là khi thấy mình không thể làm được nữa, tôi buộc phải từ nhiệm.
Trong những diễn văn từ biệt của ngài ở quảng trường Thánh Phêrô, có hai lời đặc biệt. Lời thứ nhất là lúc đọc kinh Truyền tin lần cuối, ngài nói rằng: Thiên Chúa muốn tôi lên núi Tabor. Lời đó có nghĩa gì?
Câu đó liên hệ với bài Tin Mừng trong ngày. Nhưng trong thời điểm đó, Tin Mừng mang ý nghĩa rất cụ thể. Điều đó có nghĩa là cách nào đó tôi được đi với Chúa, tôi rời bỏ cuộc sống thường ngày để trèo lên đỉnh núi khác, ở đó tôi được kết hợp với Chúa cách trực tiếp và thân tình hơn; tôi tách mình khỏi đám đông và đi vào sự mật thiết với Chúa hơn.
Lời thứ hai là lời khẳng định rất mạnh mẽ :“Tôi không từ bỏ Thánh giá”
Người ta nói là tôi xuống khỏi thập giá, tôi muốn những gì dễ dàng hơn. Đó là lời trách cứ mà tôi quan tâm. Tôi đã suy nghĩ điều này trước khi quyết định. Tôi xác tín rằng đây không phải là chạy trốn vì một sức ép cụ thể. Cũng không phải là chạy trốn trước những đòi hỏi của đức tin, vốn dẫn con người đến Thánh giá. Đó là một cách khác để liên kết với Đấng chịu đau khổ, trong sự vĩ đại của thinh lặng và cầu nguyện cho Giáo Hội. Quyết định này không phải là sự trốn chạy nhưng là một cách thế khác để trung thành với sứ vụ.
2. Về Đức Giáo hoàng Phanxicô
Với Đức Giáo hoàng Phanxicô, Giáo Hội Công giáo không còn mang tính quy châu Âu nữa. Châu Âu đã yếu thế rồi.
Thật sự châu Âu không còn đương nhiên là trung tâm của Giáo Hội phổ quát nữa. Từ giờ trở đi, trong tính phổ quát của mình, Giáo Hội ở các châu lục khác thật sự có trọng lượng tương ứng. Châu Âu vẫn duy trì trách nhiệm và những nhiệm vụ đặc thù của nó. Tuy nhiên đức tin ở châu Âu đã suy giảm đến mức không còn là động lực đích thực của Giáo Hội phổ quát và đức tin trong Giáo Hội nữa. Chúng ta cũng thấy những nhân tố mới, châu Phi, Nam Mỹ hay Philippines chẳng hạn, mang đến một năng động mới cho Giáo Hội, linh hoạt hóa và mang lại đà lực cho châu Âu mệt mỏi, đánh thức nó khỏi sự chán chường, khỏi khuynh hướng quên lãng đức tin. Cách riêng khi tôi nghĩ đến nước Đức, tôi không thể phủ nhận rằng ở đó người ta vẫn gặp được một đức tin sống động, sự dấn thân chân thành phục vụ Chúa và con người. Nhưng đàng khác, người ta thấy sức mạnh của chủ nghĩa bàn giấy, lý thuyết hóa đức tin, chính trị hóa và thiếu năng lực sống động, mọi sự như bị đè bẹp dưới sức nặng của cơ cấu. Cũng thật an ủi khi thấy có những sức mạnh khác đang khẳng định giữa lòng Giáo Hội phổ quát, và châu Âu lại trở thành mảnh đất truyền giáo.
Người ta nói rằng Thiên Chúa sửa trị mỗi vị giáo hoàng cách nhẹ nhàng qua người kế nhiệm, vậy Đức Giáo hoàng Phanxicô sửa chữa ngài về điều gì?
(Cười). Tôi cho là bằng sự quan tâm trực tiếp của ngài đối với mọi người. Điều đó rất quan trọng. Nhưng ở nền tảng, ngài cũng là vị giáo hoàng của suy tư. Khi tôi đọc Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm và những cuộc phỏng vấn ngài, tôi thấy rõ ngài là con người suy niệm, con người quan tâm cách trí thức về những vấn đề của thời đại chúng ta. Đồng thời ngài tiếp xúc trực tiếp với mọi người, ngài có thói quen ở giữa mọi người. Nếu ngài không ở trong dinh giáo hoàng mà lại ở trong nhà Santa Marta, đó là vì ngài muốn ở giữa mọi người…Tôi cũng muốn nói đến sự can đảm của ngài khi đề cập đến các vấn đề và tìm cách giải quyết.
Sau một năm, ngài có hài lòng về Đức Giáo hoàng Phanxicô không?
Có chứ. Có sự tươi mới trong Giáo Hội, một niềm vui mới, một đặc sủng mới làm vui lòng mọi người, rất tốt.
3. Những tâm tình và suy tư đức tin
Thưa Đức giáo hoàng Bênêđictô, trong thập niên 1950, ngài đã tiên đoán rằng sẽ có sự sa sút đáng kể về đức tin trong phần lớn châu Âu. Lời tiên đoán đó đã khiến ngài bị coi là người bi quan. Ngày nay người ta lại thấy tầm nhìn của ngài về một “Giáo Hội nhỏ bé” đã thành hiện thực: một Giáo Hội mất nhiều đặc quyền đặc lợi, bị tấn công và chỉ quy tụ được số tín hữu ngày càng ít theo nghĩa chặt.
Đúng thế, tôi đã nói rằng tiến trình giải thể Kitô giáo sẽ tiếp tục.
Ngày nay, ngài nhìn tương lai Kitô giáo ra sao?
Hiển nhiên là chúng ta không còn mạnh trong văn hóa hiện đại, cấu trúc nền tảng của Kitô giáo không còn mang tính quyết định nữa. Nền văn hóa trong đó chúng ta đang sống ngày nay ngày càng tỏ ra bất khoan dung đối với Kitô giáo. Xã hội Tây phương, ít ra là ở châu Âu, không còn là xã hội Kitô giáo đơn thuần nữa. Các tín hữu càng phải nỗ lực hơn để tiếp tục đào tạo và sống ý thức về những giá trị và cuộc đời. Các cộng đoàn khác và các Giáo Hội địa phương phải cương quyết hơn trong đức tin. Trách nhiệm nặng nề hơn.
Khi nhìn lại, đâu là nét độc đáo nhất trong triều giáo hoàng của ngài?
Tôi cho là Năm Đức tin: một sự thúc đẩy mới cho đời sống đức tin khởi đi từ con tim, từ sự năng động của đức tin, để tái khám phá Thiên Chúa, tái khám phá Đức Kitô, đặt đức tin ở tâm điểm đời sống.
Là giáo hoàng, ngài có tự xem mình như đại diện cuối cùng của thời đại cũ hoặc người mở đầu của thời đại mới?
Đúng hơn, tôi nghĩ mình ở giữa.
Phải chăng như một nhịp cầu giữa hai thế giới?
Tôi không còn thuộc thế giới cũ nữa, nhưng thế giới mới cũng chưa hoàn toàn.
Phải chăng việc bầu Đức giáo hoàng Phanxicô là dấu hiệu của một bước ngoặt? Liệu nó có đánh dấu một kỷ nguyên mới không?
Những sắp xếp về thời gian, chẳng hạn thời điểm người ta xác định là khởi đầu thời Trung Cổ hay thời hiện đại, những việc đó đều được làm sau này. Cần phải có khoảng lùi thời gian để quan sát tiến trình. Cho nên tôi không đánh liều để đưa ra một phán đoán về việc đó. Nhưng điều hiển nhiên là Giáo Hội ngày càng tách mình ra khỏi những cấu trúc cũ của châu Âu và mang một bộ mặt mới, với những hình thái mới. Trước hết chúng ta nhận ra tiến trình giải thể Kitô giáo ở châu Âu, sự biến mất ngày càng nhiều những gì là Kitô giáo trong đời sống công cộng ở châu Âu. Vì thế Giáo Hội phải có một cách thế hiện diện mới, phải thay đổi cách hiện diện của mình. Những cuộc biến đổi lớn vẫn diễn ra theo định kỳ. Nhưng ngay bây giờ, không thể xác định chính xác thời điểm nào là bắt đầu một thời kỳ mới.
Thánh Malachi thời Trung Cổ đã tiên báo ngày tận thế, hay ít ra là sự chấm dứt của Giáo Hội, với danh sách các vị giáo hoàng tương lai. Nếu tin vào danh sách đó thì triều giáo hoàng của ngài coi như là cuối cùng. Ngài có nghĩ ít ra mình là người cuối cùng trong danh sách các giáo hoàng mà người ta biết từ trước đến nay?
Mọi sự đều có thể. Hình như lời tiên tri này đã xuất hiện trong số những người quen biết thánh Philippe Neri. Thánh nhân chỉ đơn giản dùng danh sách các giáo hoàng tương lai để chứng minh cho những người Tin Lành rằng triều đại giáo hoàng không chấm dứt. Đừng dựa vào đó để kết luận rằng mọi sự sẽ xảy ra đúng như thế. Danh sách đó chưa đủ dài.
Trong những công việc của một Giáo hoàng, việc nào ngài cảm thấy không thích?
Tôi nghĩ là những cuộc viếng thăm mang tính chính trị. Chắc chắn là tôi vui khi có dịp trò chuyện với các vị lãnh đạo quốc gia hay các đại sứ, vì đó là nơi có những kinh nghiệm đẹp. Phần lớn trong số họ, dù có người không phải là Kitô hữu, đều quan tâm đến những chuyện thiêng liêng. Dù vậy phần chính trị này vẫn là phần cực nhọc nhất đối với tôi.
Có những điều gì khiến ngài không hài lòng?
Dĩ nhiên là có. Chẳng hạn không phải lúc nào cũng đủ sức khỏe để trình bày các bài giáo lý cách thuyết phục như mong muốn.
Người ta cho rằng ngài rất dè dặt trong diễn thuyết. Có phải là vì khi trình bày, ngài hầu như không có sự tiếp xúc bằng mắt với cử tọa và giọng nói hơi đơn điệu? Hay là ngài cố ý như thế?
Không, không. Đơn giản, tôi phải thú nhận là giọng nói của tôi thiếu lực, và tôi không có đủ thời giờ “hội nhập” bản văn để có thể thoát ra. Chắc chắn đó là một thiếu sót. Giọng nói của tôi yếu.
Thế nhưng điểm mạnh của ngài là ngài có thể soạn những diễn văn tuyệt vời.
Có thể, nhưng khi người ta bó buộc phải nói thường xuyên như một giáo hoàng, thì cuối cùng thấy kiệt sức.
Làm giáo hoàng thì lúc nào cũng có người vây quanh, rồi phải gặp gỡ thường xuyên những nhân vật quan trọng. Vậy ngài có biết đến những lúc cô đơn, cảm nhận sự cô độc?
Có chứ, nhưng tôi thấy mình liên kết mật thiết với Chúa đến nỗi không bao giờ cảm thấy cô độc.
Phải chăng người có đức tin sẽ không bao giờ cô độc?
Đúng thế. Tôi biết rõ là tôi không tự mình hành động. Chúa luôn ở đó. Chỉ cần tôi lắng nghe và mở lòng ra với Ngài. Hơn nữa, tôi chia sẻ nhiều việc với các cộng sự viên thân cận.
Làm thế nào để lắng nghe và mở ra với Chúa? Ngài có thể cho tôi một lời khuyên? Đâu là cách tốt nhất?
À, tôi thưa chuyện với Chúa rồi suy niệm trong lòng, trong thinh lặng. Luôn có thể gõ cửa (của Chúa) bằng cầu nguyện.
Trong cuộc đời ngài, ngài mong muốn làm việc gì nhiều hơn?
Chắc chắn là tôi sẽ hạnh phúc hơn nếu có thể làm nghiên cứu nhiều hơn. “Mặc khải”, “Kinh Thánh”, “Transmission”, “Khoa học thần học là gì”: đó là những đề tài mà tôi muốn đào sâu nghiên cứu. Tôi đã không thể làm được. Nhưng tôi hài lòng với những gì đã làm. Chúa muốn như thế. Phần tôi, thế là tốt rồi.
Câu hỏi cuối cùng trong những cuộc trò chuyện cuối cùng: tình yêu đã luôn là một trong những chủ đề ngài yêu thích khi còn là sinh viên, rồi giáo sư, cuối cùng là giáo hoàng. Vậy tình yêu ở đâu trong cuộc đời ngài? Ngài đã cảm nếm tình yêu thế nào, với những cảm xúc lớn ra sao? Hay tình yêu chỉ là điều gì đó mang tính lý thuyết và triết lý?
Không, không. Nếu tôi đã không cảm nghiệm tình yêu thì tôi không thể nói về tình yêu. Tôi cảm nghiệm trước hết ở nhà, bên cha bên mẹ, bên anh chị em. Rồi, dù không đi sâu vào chi tiết, tôi muốn nói rằng tôi cảm nếm tình yêu, với những chiều kích khác nhau và những hình thái khác nhau. Đối với tôi, được yêu thương và yêu thương người khác là điều ngày càng cần hơn để có thể sống, để có thể nói “vâng” với người khác. Và càng ngày tôi càng ý thức rõ nét hơn chính Thiên Chúa không chỉ là Đấng toàn năng, một quyền năng xa vời, nhưng Ngài là tình yêu, Ngài yêu tôi và vì thế đời sống tôi được xác định bởi Ngài. Bởi một sức mạnh có tên là Tình Yêu.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 101 (Tháng 7 & 8 năm 2017)